
Tư duy độc lập cho trẻ và những điều bố mẹ phải biết
Trong quá trình nuôi con, có những lúc bạn sẽ cảm thấy “đau đầu”, khi con quá dựa dẫm vào bố mẹ. Ngay cả những công việc đơn giản nhất như: ăn uống, mặc quần áo, tắm rửa,…Hay khi tới tuổi đi học bố mẹ phải nhắc nhở soạn sách vở, làm bài tập, mang đồng phục,… Lúc đầu, bố mẹ nào cũng sẽ hào hứng với việc được “đồng hành” cùng con kiểu này. Tuy nhiên, về lâu dài trẻ sẽ có thói quen ỷ lại, khiến trẻ không tự biết phải làm gì khi không có bố mẹ. Vì thế, trên con đường nuôi dạy con, bạn cần phải truyền đạt cho bé khả năng tư duy độc lập càng sớm càng tốt. Bé càng có thể tự sắp xếp, và giải quyết các vấn đề của bản thân, càng có tỉ lệ thành công cao hơn.
Để trẻ tự mình trải nghiệm
Khi trẻ gặp rắc rối, bố mẹ thường có xu hướng giúp đỡ trẻ xử lý một cách nhanh nhất. Kể cả, việc đó rất nhỏ, như: không thể hoàn thiện mô hình lắp ghép hay không giải được bài toán khó. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng tư duy độc lập của trẻ.
Tiến sĩ Stephanie Irby Coard, Đại học North Carolina Greensboro, Mỹ cho rằng: “Việc dạy trẻ suy nghĩ độc lập bắt đầu từ những năm tháng đầu tiên và quá trình này dần thay đổi khi trẻ lớn hơn”. Theo bà, rằng quá trình dạy trẻ tư duy độc lập nên bắt đầu sớm. Bố mẹ nên để trẻ tự giải quyết các vấn đề, kể cả khi còn rất nhỏ. Bố mẹ chỉ nên đưa ra một vài gợi ý hoặc chỉ dẫn để giúp con phải tự mình tìm câu trả lời. Điều này sẽ giúp con liên kết các sự kiện lại với nhau và dùng bộ não của mình để giải quyết chúng.
Tập làm tấm gương cho trẻ
Theo tiến sĩ Coard, bạn có thể trở thành hình mẫu cho trẻ trong việc tư duy độc lập bằng cách giải thích quá trình tư duy của bản thân. Khi trẻ hiểu cách người lớn suy nghĩ về các vấn đề xã hội, tài chính, hay định hướng tương lai, chúng có thể hiểu các bước tư duy. Qua đó, trẻ bắt đầu hình dung và mô phỏng lại các cách thức này khi gặp khó khăn.
Lúc đầu, trẻ có thể sẽ tự hỏi: “Trong tình huống này bố/mẹ sẽ làm gì. Và mình có làm được điều đó hay không”. Ví dụ, khi nước đổ, bé sẽ gọi bố mẹ đến xử lý. Nhưng khi bạn không có ở đó, trẻ sẽ nhớ lại cách bố mẹ làm. Chẳng hạn: dùng khăn nào lau, lau lại bằng nước sạch và giặt khăn phơi,…
Theo thời gian, trẻ sẽ tự xây dựng được khả năng tư duy của bản thân cho các vấn đề tương đồng. Và sau này mở rộng cho cả những vấn đề mới trong cuộc sống.
Luôn lắng nghe con trước
Sự lắng nghe của bạn là bước quan trọng trong quá trình trưởng thành về tư duy của trẻ. Khi bạn lắng nghe trẻ, tức là ý kiến, lời nói của trẻ đang được coi trọng. Điều này có tác động rất lớn trong nhận thức của trẻ về bản thân. Như tiến sĩ Coard đã nói: “Trẻ cần xây dựng sự tự tin trong suy nghĩ để đưa ra quyết định cho bản thân”.
Bạn cũng nên đưa ra ý kiến của mình, tuy nhiên, nên là sau khi lắng nghe những gì trẻ muốn chia sẻ. Nếu vẫn chưa rõ hay con đang nhận đinh sai, đừng vội phản bác. Bạn nên dùng thêm các câu hỏi để làm rõ suy nghĩ và định nghĩa của trẻ về vấn đề. Từ đó, bố mẹ có thể giúp trẻ tư duy đúng đắn, hiệu quả hơn. Vì là bố mẹ, nên đôi lúc bản năng sẽ khiến bạn muốn giúp đỡ con ngày lập tức. Do đó, bạn cũng phải học cách kiềm lại và kiên nhẫn hơn. Việc lắng nghe sẽ giúp trẻ học được nhiều hơn, qua đó nâng cao sự tự tin đưa ra quan điểm của trẻ.
Đừng ngại thử thách con
Đôi khi bạn hãy đưa ra thêm thử thách cho trẻ vì khen ngời chưa chắc đã đủ. Điều này giúp trẻ không bị quá bỡ ngỡ khi gặp khó khăn.
Khi trẻ lớn hơn, bạn nên khuyến khích trẻ tự suy nghĩ và ghi lại quá trình đó. Bố mẹ có thể đưa ra một vài tình huống và hỏi trẻ làm thế nào nếu gặp chúng. Bạn nên đặt câu hỏi “tại sao” và đưa thêm gợi ý để trẻ hiểu rõ hơn về bản thân. Đây là cơ hội để trẻ suy nghĩ về kết quả nhận được và những cách xử lý khác. Ngoài ra, bạn nên tạo điều kiện để trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa như thuyết trình, tranh luận,…Thông qua chúng, trẻ sẽ xây dựng sự tự tin và cách bộc lộ suy nghĩ tốt hơn.
Sai lầm sẽ giúp con ghi nhớ
Đôi khi kinh nghiệm và kiến thức bạn sẽ nhận ra được sai lầm của con, trước khi con làm. Nhưng nên nhớ, con là con và bố mẹ là bố mẹ. Tức là bạn không nên suy nghĩ thay con, mà nên đứng vai trò người hướng dẫn hay là quân sư cho con.
Khi thấy con gặp hoặc làm chuyện nguy hiểm, bố mẹ nên ngăn lại ngay. Sau đó, không nên la mắng con, mà hãy nhẹ nhàng hỏi con vì sao làm vậy và giải thích mức độ nguy hiểm cho con. Nếu có thể, hãy cho con xem hậu quả có thể xảy ra, để con ghi nhớ.
Khi trẻ phạm sai lầm, bố mẹ nên giúp trẻ hiểu rằng quyết định sai lầm một cách vô tình hay do thiếu hiểu biết không quan trọng. Bố mẹ nên khuyến khích con cố gắng để cải thiện bản thân trong tương lai. Nên đặt bản thân vào vị trí của con một chút để hiểu cho con. Vì khi biết mình sai, dù nói ra hay không, bé cũng đã buồn và thất vọng rồi. Không nên, đặt vào vị trí của con, để quyết định và suy nghĩ theo bản thân của bố mẹ.
Nguồn: vnexpress.net